Cập nhật 4 cách điều trị rối loạn lipid máu cao hiệu quả 2022
06/08/2021
Điều trị rối loạn lipid máu cao là quan tâm hàng đầu ở người bị mỡ máu. Tuy nhiên việc điều trị cần phải có nguyên tắc nhất định và có phác đồ rõ ràng. Dưới đây là những thông tin bạn cần biết về điều trị bệnh mỡ máu cao.
Rối loạn lipid máu hay còn được gọi là bệnh mỡ máu cao, đặc trưng bởi một trong các chỉ số như HDL cholesterol giảm, LDL Cholesterol, cholesterol toàn phần và triglyceride tăng.
Rối loạn mỡ máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn như:
– Tăng cholesterol toàn phần: ≥ 200 mg/dL (5.2 mmol/L)
– Tăng LDL-Cholesterol: ≥ 130 mg/dL (3.4 mmol/L)
– Giảm HDL-Cholesterol: < 40 mg/dL (1.0 mmol/L)
– Tăng Triglycerid: ≥ 200mg/dL (2.26 mmol/L)
– Rối loạn kiểu hỗn hợp: khi tăng cholesterol kết hợp với tăng triglyceride
1. Tầm quan trọng của điều trị rối loạn lipid máu cao
Rối loạn mỡ máu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt hệ tim mạch. Khi lượng lớn LDL cholesterol cùng triglyceride quá lớn lâu dần sẽ lắng lại tại lòng mạch, hình thành nên mảng xơ vữa khiến hẹp hoặc tắc mạch. Từ đó gây nên các biến chứng nguy hiểm như:
- Cao huyết áp: mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch làm tăng áp suất máu lưu thông trong động mạch
- Tai biến mạch máu não (tắc động mạch cảnh máu không lên đến não)
- Nhồi máu cơ tim (tắc động mạch vành khiến máu không đến được tim)
Vì vậy để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao (rối loạn lipid máu), người bệnh cần được điều trị kịp thời.
2. Nguyên tắc điều trị bệnh rối loạn lipid máu
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, việc điều trị rối loạn lipid máu cao là để giảm và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm mà mỡ máu gây nên. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ chính nguyên tắc vừa kết hợp điều trị theo các phương pháp, vừa kết hợp thay đổi lối sống, chế độ ăn uống.
Cụ thể:
- Trong quá trình điều trị cần loại trừ nguyên nhân tăng lipid máu thứ phát
- Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là vấn đề tiên quyết và cốt lõi trong điều trị
- Chỉ định thuốc khi cần thiết
- Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu cần dựa trên xét nghiệm: tập trung giảm LDL cholesterol và cholesterol toàn phần. Chất béo trung tính triglyceride nên được đánh giá điều trị khi bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu có tăng triglyceride.
- HDL cholesterol không được khuyến cáo là đích điều trị. Cần xác định mục tiêu điều trị nhằm vào các chỉ số mỡ xấu.
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch khác nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, thường xuyên hút thuốc lá…
3. Các phương pháp điều trị rối loạn lipid máu cao
3.1. Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Việc thay đổi lối sống bằng chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, khoa học sẽ nhằm hạn chế lượng mỡ xấu tiếp theo bám vào cơ thể. Đây cũng là biện pháp hàng đầu trong điều trị mỡ máu. Cụ thể:
- Hạn thế thực phẩm giàu cholesterol và chất béo có trong nội tạng động vật, thịt mỡ, da động vật, một số loại thịt đỏ; các loại thực phẩm chiên xào hoặc đã qua chế biến
- Hạn chế đồ ăn/thức uống có nhiều đường, tinh bột, đặc biệt ở bệnh nhân tăng triglyceride
- Khuyến khích sử dụng nhiều rau xanh, trái cây, hạt, tinh bột dạng thô như lúa mạch, cá đặc biệt dầu cá giàu omega-3
- Giảm cân ở những người thừa cân béo phì và chỉ nên giới hạn ở mức 500 calo/ngày
- Tập thể dục để giảm LDL cholesterol và tăng HDL cholesterol, đồng thời làm giảm nguy cơ béo phì, cao huyết áp, giảm các bệnh mạch vành nếu duy trì tập ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Bỏ thói quen sử dụng thuốc lá, chất kích thích, rượu bia
3.2. Phác đồ điều trị rối loạn lipid máu bằng thuốc tây
Thông thường, các bác sĩ thường chỉ định các thuốc điều trị rối loạn lipid máu như:
Đối với LDL cholesterol tăng cao:
- Simvastatin (Zocor, Simvahexal, Vida) liều10mg/ngày
- Atorvastatin (Lipitor, Aztor, Atovast) liều 10mg/ngày
- Fluvastatin (Lescol) liều 20mg/ngày
- Pravastatin (Pravachol) liều 10mg/ngày
- Rosuvastatin (Crestor) liều 5-10mg/ngày
Lưu ý nên bắt đầu với liều thấp và có thể tăng liều nếu không đạt hiệu quả sau 4-6 tuần điều trị.
Đối với LDL cholesterol và triglyceride tăng cao
- Giảm triglyceride trước bằng: Gemfibrozil (Lopid) liều 300mg/ngày hoặc Fenofibrat (Lipanthyl) liều 200mg/ngày sau ăn tối. Nếu triglyceride giảm xuống dưới 5.62 mmol/L thì dùng statin để hạ LDL cholesterol như trên.
Trong quá trình điều trị bằng thuốc luôn cần kết hợp chế độ ăn uống đồng thời theo dõi tình trạng cụ thể.
Sau liệu trình 4-6 tuần cần xét nghiệm lại các chỉ số mỡ máu. Ngoài ra cần xét nghiệm thêm một số chỉ số để phát hiện chính xác những tổn thương nếu có khi sử dụng thuốc hạ lipid máu.
Ngoài ra còn một số loại thuốc để hạ mỡ máu khác như:
- Thuốc gắn axit mật (Cholestyramin, colesevelam, colestipol): giảm LDL-C, tăng nhẹ HDL-C, có thể tăng triglyceride
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol (Ezetimibe): giảm LDL-C, tăng nhẹ HDL-C
- Thực phẩm bổ sung (Omega-3): chỉ giảm triglyceride
- Thuốc kết hợp (phối hợp các tác dụng của 2 thuốc) không khuyến cáo là liều ưu tiên: Niacin + lovastatin, Niacin + simvastatin, Ezetimibe + simvastatin
Thuốc tây có tác dụng nhanh chóng tuy nhiên dễ để lại tác dụng phụ. Vì vậy người dùng không nên quá lạm dụng.
3.3. Điều trị rối loạn mỡ máu bằng bài thuốc Đông y
Trong Đông y, mỡ máu được gọi là bệnh đàm thấp. Đàm thấp do rối loạn công năng của tỳ (cơ quan tiêu hóa), can (gan – cơ quan chuyển hóa mỡ). Theo tài liệu về các bài thuốc cổ phương, có một số bài thuốc điều trị theo từng thể bệnh như:
Thể đàm trệ:
Biểu hiện: béo bệu, tức ngực, tay chân nặng nề, trướng bụng, cảm giác buồn nôn, nôn…
Bài thuốc: “Nhị trần thang gia vị” gồm bạch linh 15g, bạch truật 15g, hoạt thạch 25g, thảo quyết minh 12g, ý dĩ 12g, trư linh 12g, trạch tả 15g, cam thảo 0,4g, kim ngân hoa 12g.
Cách thực hiện: Sao vàng, tán mịn sau đó chia thành 12-18g pha uống với nước ấm. Ngày 2 lần. Có thể sắc uống theo thang.
Thể khí trệ huyết ứ:
Biểu hiện: hoa mắt chóng mặt, đau tức ngực, đau đầu, chân tay tê bì…
Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang gia vị (đào nhân 10g, đương quy 15g, sinh đại 10g, sài hồ 10g, chỉ xác 10g, hồng hoa 10g, xuyên khung 10g, xích thược 15g, ngưu tất 10g, cát cánh 10g, cam thảo 0,6g, uất kim 0,8g.
Cách thực hiện: sắc uống, mỗi ngày 1 thang, uống 2 lần trong ngày.
Các bài thuốc này sẽ mất nhiều thời gian chuẩn bị, thích hợp cho những người không phù hợp với các loại thuốc tây hoặc lo ngại tác dụng phụ của thuốc tây.
3.4. Thảo dược trị mỡ máu
Bên cạnh các bài thuốc, còn có một số cây thuốc nam điều trị rối loạn lipid máu như:
- Giảo cổ lam
- Lá sen
- Nần vàng
- Trạch tả
- Actiso
- Nấm linh chi
- Hoa bụp giấm
- Cam Bergamot
Các vị thảo dược này có thể sao vàng, pha trà uống hàng ngày để giảm mỡ máu. Tuy nhiên nếu chỉ sử dụng đơn lẻ tác dụng sẽ không phát huy được nhiều. Người bệnh nên kiên trì sử dụng.
4. Lưu ý khi điều trị rối loạn lipid máu cao
Cũng theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, việc điều trị rối loạn lipid máu hay mỡ máu cao càng sớm sẽ càng ngăn ngừa được biến chứng của bệnh. Người bệnh nên song song kết hợp cùng chế độ ăn uống sinh hoạt để có hiệu quả nhất.
Trong khi điều trị cần lưu ý:
- Tuân thủ phác đồ điều trị rối loạn lipid máu theo chỉ dẫn
- Nếu có bất thường như gặp phải tác dụng phụ, xuất hiện nhiều các triệu chứng của mỡ máu cao nên chủ động liên hệ với người có chuyên môn
- Không nên tự ý dùng thuốc điều trị khi không được sự cho phép của bác sĩ
- Nếu sử dụng các sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược nên lựa chọn đơn vị uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng
- Chủ động thăm khám và kiểm tra sức khỏe
Trên đây là một số thông tin về điều trị rối loạn lipid máu cao. Hy vọng bạn đọc có thể nắm sơ qua về các hướng điều trị để biết cách phòng ngừa và xử lý. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ qua hotline 0865 344 349 để được giải đáp.
XEM THÊM:
- Gan nhiễm mỡ – Bệnh lý liên quan mật thiết đến mỡ máu cao
- Mỡ máu nên ăn gì và kiêng gì? Cách phòng và điều trị hữu hiệu và dài lâu
- Bí quyết lựa chọn thực phẩm chức năng giảm mỡ máu – Ai cũng nên biết