Cholesterol cao ở trẻ em – Cách chữa trị và phòng tránh
27/08/2021
Có lẽ không nhiều người biết rằng không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng có nguy cơ có hàm lượng cholesterol cao. Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về cholesterol cao ở trẻ em.
1. Cholesterol cao ở trẻ em là gì?
Cholesterol cao hay còn được biết tới là mỡ máu cao không chỉ xuất hiện ở người lớn mà còn có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ. Đó có thể là những em bé 7 – 8 tuổi hoặc nhỏ hơn.
Mức cholesterol trong máu của trẻ được coi là cao khi có một trong các chỉ số sau:
- Cholesterol toàn phần từ 200 mg/dL trở lên
- LDL-Cholesterol từ 130 mg/dL trở lên
- Chất béo trung tính từ 130 mg/dL trở lên
- HDL-Cholesterol dưới 40 mg/dL
>>Xem thêm: Rối loạn mỡ máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
2. Dấu hiệu cholesterol cao ở trẻ em
Mỡ máu cao thường diễn biến âm thầm mà không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Hầu hết trẻ được phát hiện bệnh khi kiểm tra sức khỏe hoặc khi bệnh đã tiến triển nặng thành biến chứng.
Một số dấu hiệu khi bệnh đã tiến triển nặng là:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Tức ngực
- Tim đập nhanh
- Thở gấp
- Phát ban dưới da dưới dạng các nốt phồng nhỏ màu vàng
3. Nguyên nhân gây cholesterol cao ở trẻ em
Sở dĩ trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh mỡ trong máu cao là do yếu tố di truyền và lối sống.
3.1. Di truyền
Theo nhiều nghiên cứu, cholesterol trong máu cao có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái. Do đó nếu bạn bị mỡ máu cao từ sớm rất có thể con bạn cũng có nguy cơ bị bệnh.
3.2. Chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh
Nếu cha mẹ chiều theo sở thích ăn uống của trẻ sẽ dẫn tới dinh dưỡng thiếu khoa học. Trẻ ăn quá nhiều thức ăn giàu chất béo như: thức ăn nhanh, đồ đóng hộp, thực phẩm chiên rán… Điều này sẽ làm tăng lượng cholesterol dư thừa trong máu.
3.3. Béo phì
Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì hiện nay ngày càng tăng. Nó sẽ làm gia tăng khả năng trẻ phải đối mặt với bệnh mỡ máu cao. Bởi mức cân nặng lớn sẽ làm tích tụ nhiều cholesterol trong cơ thể.
4. Cholesterol cao ở trẻ em có nguy hiểm không?
Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng. Bởi cholesterol xấu bám vào thành mạch sẽ cản trở lưu thông máu, gây ra các vấn đề nghiêm trọng như:
- Xơ vữa động mạch
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
5. Khi nào nên tầm soát cholesterol cao ở trẻ em?
Bác sĩ Renee A.Alli khuyến cáo tất cả trẻ em từ 9 -11 tuổi nên được tầm soát 1 lần. Sau đó kiểm tra lại khi từ 17 – 21 tuổi.
Ngoài ra, trẻ cần được kiểm tra thường xuyên hơn nếu thuộc một trong các nhóm đối tượng sau:
- Trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1, type 2
- Trẻ bị huyết áp cao
- Mắc bệnh thận
- Trẻ có người thân trong gia đình bị cholesterol cao hoặc mắc bệnh tim sớm (dưới 55 tuổi đối với nam và dưới 65 tuổi đối với nữ)
- Có chỉ số khối cơ thể BMI cao hơn mức cho phép
6. Điều trị mỡ máu cao ở trẻ em
Vì trẻ em là đối tượng khá nhạy cảm, cơ thể chưa phát triển toàn diện nên mọi phương pháp điều trị cần được cân nhắc thận trọng. Thông thường trẻ sẽ được điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, rèn luyện để giảm cholesterol trong máu.
6.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Việc thay đổi chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị. Đặc biệt, ở những trẻ mà lý do gây cholesterol cao là thừa cân, béo phì thì đây chính là một trong những biện pháp để giảm cân. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp nhất với trẻ.
- Đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn. Trẻ nên được bổ sung trái cây, sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, rau có màu xanh đậm… Sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo như thức ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh… Theo khuyến cáo, tổng lượng chất béo mà một đứa trẻ tiêu thụ chỉ nên dưới 30% tổng lượng calo mỗi ngày.
- Trẻ cũng cần tránh thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt… Vì chúng sẽ làm tăng cân.
6.2. Luyện tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thể dục đều đặn sẽ tạo dựng nền tảng sức khỏe tốt. Nó cũng là một biện pháp hữu hiệu giúp trẻ kiểm soát cân nặng. Các môn thể thao phù hợp là: đạp xe, bơi lội, đi bộ, bài tập thể dục. Để chắc chắn về thời gian, cường độ tập luyện hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cùng cần cân đối lại thời gian học tập và nghỉ ngơi của trẻ. Không nên để trẻ phải ngồi học quà nhiều. Đồng thời cũng cần giảm thiểu thời gian ngồi trước màn hình tivi, máy tính hoặc sử dụng điện thoại.
6.3. Thuốc điều trị cholesterol cao ở trẻ em
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, có thể trẻ sẽ cần sử dụng thuốc. Theo bác sĩ M. Regina Castro, thuốc sẽ được chỉ định nếu trẻ:
- Từ 10 tuổi trở lên
- Mắc bệnh mỡ máu cao do yếu tố di truyền
- Mắc đồng thời các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp cao
- Mức cholesterol trong máu vẫn tiếp tục tăng cao dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện.
Lưu ý là không phải loại thuốc nào cũng phù hợp cho trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ cần phải cho trẻ uống thuốc đúng loại, liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc giữa rủi ro, tác dụng phụ với những lợi ích mà nó mang lại cũng như sự phù hợp với thể trạng và độ tuổi của trẻ. Từ đó, một số loại thuốc sẽ được quyết định sử dụng như:
- Statin loại dùng được cho trẻ em
- Thuốc làm giảm sự hấp thụ cholesterol trong ruột
- Thuốc cô lập axit mật
7. Phòng tránh cholesterol cao ở trẻ em
Để trẻ không phải đối mặt với nguy cơ bị mỡ trong máu cao, hãy phòng ngừa cho trẻ bằng các biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ. Bữa ăn nên chứa protein ít béo, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt. Tránh cho trẻ ăn thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Thời gian xem tivi, máy tính, chơi điện thoại không nên quá 2 giờ/ngày. Và tổng thời lượng này cần được phân bố hợp lý trong ngày.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất. Thời gian vận động, rèn luyện thể lực ít nhất là 1 giờ/ngày. Cha mẹ hoàn toàn có thể tự tạo ra các hoạt động này ngay chính trong căn nhà của mình.
- Duy trì chế độ sinh hoạt điều độ. Cho trẻ ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc.
- Kiểm soát mức cân nặng của trẻ. Giảm cân nếu cần thiết.
- Cho trẻ khám sức khỏe định kỳ. Tầm soát cholesterol cao ở trẻ theo khuyến cáo. Đặc biệt cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế ngay khi nghi ngờ mắc bệnh hoặc trẻ nằm trong đối tượng có nguy cơ cao.
Hy vọng những thông tin về cholesterol cao ở trẻ em trên đây hữu ích đối với phụ huynh. Bạn cần nhớ rằng đây là một bệnh lý nguy hiểm cần cẩn trọng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ tới tổng đài 0865 344 349 để được trợ giúp.
XEM THÊM:
- Mỡ máu nên ăn gì kiêng gì? – Cách xây dựng thực đơn hoàn hảo
- Cập nhật 4 cách điều trị rối loạn lipid máu cao hiệu quả 2021